Cuộc Sống

NHỚ NGOẠI

NHỚ NGOẠI

Phải nói thời gian cách ly xã hội trong dịch bệnh COVID đã cho tôi có nhiều cái nhìn khác. Nhìn lại… chính bản thân mình, nhìn lại… gia đình, nhìn lại.. mọi người,… nhìn nhận tình hình mùa dịch… Nói chung thời gian cách ly ở nhà cho tôi cảm giác sống chậm lại và cảm nhận nhiều mọi thứ.

Uhmm… thì ngoài kia còn nhiều người khó khăn mà. Tôi nhớ mỗi lần chính phủ có công văn thông báo về cách ly thì y như rằng… MÌ GÓI ở siêu thị sẽ vơi đi… Và người dân ùn ùn kéo nhau ra siêu thị chỉ để mua thật nhiều lương thực. Đặc biệt là mì gói, tôi nhìn thấy dòng người đẩy xe chất thùng mì, đứng xếp hàng dài chờ thanh toán. Cảm giác lúc đó ngỡ ngàng lắm… Thật mắc cười nữa… Hahaha gì chứ cái bụng là phải lo trước nha. Người dân Việt Nam không hề sợ dịch CORONA mà sợ ĐÓI các bạn ạ.

Việt Nam là một nước có nền nông nghiệp đứng top thế giới mà có nhiều người sợ đói các bạn

Có lẽ… chiến tranh tàn phá chúng ta nhiều quá…

Có lẽ… dân ta đã từng bị lần 2 nạn đói trong lịch sử…

Có lẽ… người dân vẫn còn nghèo…

Và trong tiềm thức chúng ta SỢ ĐÓI…

Uhmm… thế sự mà. Ai nói trước được điều gì?

Còn nhớ lúc xưa, cái thời trung học tôi cũng nghèo và nhịn đói đi học… Rồi kí ức của tôi về một người bà chợt ùa về. Nói chính xác là bà của người bạn hàng xóm, bà thương tôi lắm và tôi cũng kêu bà bằng “bà ngoại” theo cách bạn tôi gọi.

Nhà của bạn tôi là cửa hàng tạp hóa trong xóm. “Bà ngoại” là người thường bán hàng phụ cho cô Chín

Tôi nhớ có lần, tôi mua 1 gói mì tôm Hảo Hảo về làm canh trộn với cơm nguội. Làm như bà biết tôi hay ăn như vậy hay sao ý, lần đó bà nhét vào tay tôi thêm 1 quả trứng gà nữa.

Wow…Thật bất ngờ, bà còn đưa tay ra dấu: “suỵt!” “cái này bà cho con, con đừng nói ai nghe nhé!” bà dòm qua dòm lại như người vừa lấy trộm thứ gì đó như sợ người nhà của bà nhìn thấy (mà quả trứng gà là của bà mà). Lúc đó tôi cũng…uhm trả lại bà quả trứng, nhưng bà không chịu nhận. Bà nói “cái này bà cho con” “bà thấy con tội nghiệp đi học phải nhịn đói mà nhà không có gì ăn”. Làm như bị nói trúng tâm sinh lý, cái bụng thì đang đói nên tôi… từ chối gì tầm này nữa… cũng khó cưỡng lại.

“Bà ngoại” bạn tôi hiền lắm, tốt bụng nữa. Mỗi lần qua nhà bạn chơi bà rót cho 1 ly nước đầy à. Hồi đó, thằng bạn tôi cứ đi học thêm suốt ngày. Tôi qua nhà nó chơi là cứ ngồi chờ nó đi học thêm về. Thế là, bà bày cho tôi trò chơi “câu cá” giết thời gian. Rồi 2 bà cháu lấy bài tây ra chơi “câu cá” hahaha… Bài “câu cá” là bà chỉ tôi chơi hồi đó. Bà chia mỗi người 10 lá úp, 12 lá mở và 1 sắp bài kéo. Bà chơi hay lắm, trí nhớ bà rất tốt. Nhờ chơi với bà tôi nên phép tính “cộng” của tôi cũng lên tay. 1+1=2, 2+2=4, 3+3+6… Nói thật là tôi không có thuộc bảng cửu chương.

Bà ngoại dễ thương lắm, tóc dài bạc trắng (như bà tiên ấy), miệng nhai trầu. Tôi còn nhớ bàn tay của ngoại thon dài, mềm mại và ấm nữa. Còn giọng của ngoại nhỏ nhẹ, rõ ràng. Tôi cũng ít thấy khi nào ngoại giận ai đó. Thường khi ngoại giận ai thì không nói chuyện với người đó nhưng rồi mọi chuyện cũng nhanh chóng bình thường trở lại. Tính ngoại không giận lâu được.

Nhà bạn tôi cũng người đông người lắm, đa số các cô, cậu ban ngày đi làm, tối về nhà ngủ. Chỉ có bà là ở nhà bán tạp hóa phụ cô Chín

Có khi tôi ngồi chơi với bà đến chiều tối, bà còn mua cho tôi 1 ổ bánh mì hay 1 gói xôi, bà sợ tôi đói bụng. Uhm… lúc đó đói thiệt, ban đầu tôi còn ngại ngùng… về sau thì chắc ai cũng biết… Thời gian lâu dần rồi tôi cũng thân thiết với bà nhiều hơn.

Uhm.. còn bạn tôi hả? Hồi đó nó học trường chuyên, để giữ thành tích tốt thì phải đi học thêm nầy nọ. Nên bây giờ cũng ngon lành cành đào lắm…

Bây giờ con nhớ ngoại lắm! Ngoại ơi, con muốn được ôm ngoại vào lòng! TT

Con cảm ơn ngoại. Tuổi thơ của con gắn liền với ngoại. Cảm ơn ngoại đã chơi với con, cho con nhiều thứ, cho con cảm nhận tình người, tình hàng xóm láng giềng. Cảm ơn tấm lòng yêu thương của ngoại. Cảm ơn sự chia sẻ, cảm thông của ngoại, con thấm lắm khi “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Cảm ơn ngoại đã dành thời gian cho con…Cho dù phía trước có khó khăn nhưng con tin rằng mình sẽ vượt qua tất cả.

Thẻ
Xem Thêm

Bài Viết Liên Quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xem Thêm

Close
Back to top button
Close